INTRODUCTION

3.8.07

Và hai người phụ nữ Pháp

Câu chuyện đi tìm mộ vừa đọc vừa đoán vậy mà chúng tôi đã đem lại sự thán phục cho nhiều người Việt ở New Caledonia. Bởi lâu nay, bà con cứ đinh ninh những ngôi mộ chữ Hán này của người Nhật, theo suy luận trước đây người Nhật cũng đã từng làm phu mỏ tại đây.
Trong những ngày lưu lại ở Nouméa, thật bất ngờ khi biết những mộ bia đang dần bị thời gian gặm nhấm, đổ nát lại gây chú ý đặc biệt với một phụ nữ Pháp, đó là cô Stéphane Pannoux hiện đang giảng dạy môn sử học tại Đại học Nouvelle Calédonie. Những mộ bia với các ký tự âm Hán ấy được cô cẩn thận ghi hình, tìm người phiên dịch với mục đích định danh xem các mộ phần ấy là người nước nào. Tất cả các khu nghĩa địa có những mộ bia tương tự ở khắp Nouméa, đặc biệt nơi trước kia từng là các trại tập trung của người chân đăng sinh sống đã cho ra một kết quả chung – đó là các mộ phần đều của người chân đăng, có gốc tích khắp các tỉnh thành Bắc bộ như Nam Định, Hải Dương, Thái Bình… Một bản nghiên cứu dày cộp được cô Stéphane cất công sức làm sáng tỏ gốc tích các ngôi mộ, và chứng minh đó là mộ phần của người Việt, trong đó có mộ phần của các nghĩa quân khởi nghĩa, bị đưa đi lưu đày, số còn lại là của người chân đăng Việt Nam. Cô Stéphane tâm sự: “Khi nhìn thấy các mộ phần, tôi thực sự xúc động vì cảnh hoang tàn ảm đạm in đậm dấu thời gian và ấn tượng bởi các ký tự kỳ lạ trên bia mộ khiến tôi quyết định phải tìm hiểu về nó. Thật vui khi nghiên cứu của tôi giúp cho các bạn Việt Nam ở đây hiểu hơn về cha ông mình, và đây cũng là một bài giảng rất thú vị luôn hấp dẫn các học trò ở bộ môn lịch sử trong trường Đại học tại Nouméa”.

Phần nhiều những hiểu biết về người chân đăng chỉ qua lời kể trong gia đình, khi nhớ khi quên, rời rạc, đứt đoạn, chưa có một nghiên cứu hoàn chỉnh nào do người Việt thực hiện về đề tài người chân đăng. Cũng tại Nouméa, lại một người Pháp – cô Chène Claudy đã hoàn thiện một bản nghiên cứu hoàn chỉnh về muôn mặt đời sống người chân đăng ở New Caledonia giai đoạn 1891 – 1964. Hai bản nghiên cứu của hai cô người Pháp thực sự là một nguồn tư liệu quý, giúp người Việt các thế hệ sau hiểu về cuộc sống chân đăng lao động cơ cực, gian khổ trên đất mỏ.
Hai bản nghiên cứu đáng quý này đã lôi kéo thêm các anh em việt kiều thế hệ chân đăng thứ hai, thứ ba cùng tham gia xây dựng tư liệu cho việc nghiên cứu ngày càng hoàn chỉnh.


Tâm Chánh – Lam Phong
Source : sgtt.com.vn

Aucun commentaire: