INTRODUCTION

24.10.07

Radio Free Asia (suite)

Theo Dấu Chân Đăng Việt Nam đến Tân Đảo một thế kỷ trước
2007.10.18
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA


New Caledonia và thành phố Nouméa của đảo có cơ sở hành chánh gọi là Archives Territoriales, Văn Khố Lưu Trữ, nơi chứa hàng ngàn hồ sơ của Chân Đăng, những người Việt được Pháp tuyển mộ qua làm phu mỏ trong các quặng Nikel và Chrôme khắp Tân Đảo, vào thời kỳ Việt Nam còn nằm trong vùng Đông Dương, còn chịu ách đô hộ của người Pháp lúc ấy.

Tìm lại dấu chân người xưa thì không gì bằng ghé thăm Văn Khố Lưu Trữ trên đảo trước. Trong câu chuyện hôm nay, thi thoảng qúi vị sẽ nghe đến những địa danh như Koumac, Koné, Thio, Tiébaghi, Voh, những nơi có bóng người Việt thưở chân ướt chân ráo đi tha phương cầu thực.

Thưở ấy, để phân biệt, các ông chủ Tây gọi Chân Đăng Việt Nam là Les Travailleurs Tonkinois hay Indochinois. Những người Chân Đăng Việt lúc đó cũng không được gọi bằng tên mà bằng con số ghi trên hồ sơ di trú và khám sức khỏe còn lưu giữ trong Văn Khố New Caledonia.

Bây giờ Thanh Trúc mời quí vị lên đường. Tại Văn Khố Lưu Trữ, với sự hướng dẫn của anh Nguyễn Bá Vinh, con của một Chân Đăng có hồ sơ tại đây, Thanh Trúc gặp giám đốc trung tâm là ông Ismet, được ông hướng dẫn xuống phòng lưu trữ tài liệu dưới tầng hầm kiên cố, có máy điều hoà không khí chạy 24/24:
Tất cả những cái hộp mà Thanh Trúc thấy ở đây đựng những tài liệu của người Việt nam và người Nam Dương (Indonesia). Những tài liệu này được viết trên những tờ giấy rất đặc biệt để giữ gìn được lâu dài mà không bị hư.

Ông Ismet chỉ cho Thanh Trúc thấy một hồ sơ tiêu biểu mà thể theo yêu cầu, Thanh Trúc không được nói tên, chỉ biết là ông ta tới Ile de Nouville. Ho tới Ile de Nouville trước để khám sức khoẻ xong rồi họ sẽ đi vào vùng gọi là Koumac là nơi có mỏ kền (nickel). Tất cả những tài liệu này đều được viết bằng tiếng Pháp.

May mắn cho Thanh Trúc là khi đến Văn Khố Lưu Trữ này thì Thanh Trúc được anh Nguyễn Bá Vinh đưa Thanh Trúc đến. Anh Nguyễn Bá Vinh là con của ông cụ Nguyễn Xuân Hoà. Trong tài liệu này thì ông cụ Nguyễn Xuân Hoà sang đây ngày 13-5-1937. Nếu cụ Nguyễn Xuân Hoà còn sống thì đến năm nay cụ bao nhiêu tuổi?

Anh Nguyễn Bá Vinh : Khoảng 90.
Thanh Trúc : Có hình của cụ ở đây. Đó là một thanh niên nhà quê, trẻ tuổi. Không có gì đề rõ trong này là cụ sinh đẻ năm nào. Hồi xưa người nhà quê mình giấy tờ không có rõ. Nhưng trong này có đề là DCD le vingt quatre Septembre 1968 à Australie. À, ông mất ngày 24 tháng 9 năm 1968 tại Úc Đại Lợi.
Anh Nguyễn Bá Vinh : Cụ sang bên âý chữa bệnh ung thư.
Thanh Trúc : Đây là những tài liệu nói về những bước chân Việt Nam đầu tiên đến Nouméa để từ đó lập cuộc đời tươi sáng cho các thế hệ sau này. Vớí thời gian, những tài liệu này bị rách, ở các góc bị sờn đi nhiều lắm. Nhing những tài liệu này mình thấy lại cả một dĩ vãng của những người đi Chân Đăng Việt Nam hồi xưa đã lưu lạc tới Nouvelle Calédonie.

Đây cũng là một hồ sơ khác, người họ Trần, sinh năm 1905. Ông đến Nouméa vào ngày 31-5-1937. Vaog tháng 6-1937 ông bắt đầu làm việc ở Tíébaghi. Thưa quý vị, Tiébaghi là nơi mà ở đó có một làng Việt Nam, có thể nói là ở trong rừ nểu tong núi.

Và đây cũng là một hồ sơ, để xem nào. Người này trở về Việt Nam bằng máy bay năm 1957. Ông xin trở về Sài Gòn năm 1957. Khi đó người anh của ông mất và ông được cho phép trở về. Đây là một trường hợp mà ông Ismet và anh Vinh nói là rất hiếm. Được trở về năm 1957, về Sài Gòn.

Đây là hồ sơ của một người đàn bà họ Nguyễn. Trông hình bà rất đẹp. Đó là một cô gái quê rất trẻ. Người sinh năm 1914. Bà đến đây năm 1939. Bà có các hình chụp nghiêng, chụp thẳng. Và với hình này thì bà đã thành một cụ già, vẫn còn vấn khăn, vẫn mặc áo màu nâu. Bà trở về nước năm 1954. Chuyến hồi hương cuối cùng 1964.

Ông Ismet nói sở dĩ phải thu thập tất cả các tài liệu của những người đầu tiên đến đây, những người đã chết ở đây, hay là những người hồi hương là bởi vì nó rất là quan trọng cho lịch sử của Nouméa. Tại văn khố lưu trữ này cũng có những tài liệu nói về người hồi hương bằng tàu thuỷ hay bằng máy bay.

Khi Thanh Trúc nhìn những hồ sơ của những người ngoại quốc đến đây làm việc thì Thanh Trúc thấy hồ sơ của một người họ Mai đề quốc tịch Việt Nam, trong khi đó tất cả những hồ sơ của những người Chân Đăng chẳng những quốc tịch của họ không được nếu bởi vì khi họ được tuyển mộ qua đấy đi chân đăng, đi phu phen, thì Việt Nam đang dưới sự đô hộ của Pháp.

Thưa qúi vị, Tân Đảo có một nơi tên gọi là Thio, ờ đó có nghĩa trang của một số ông bà Chân Đăng đã nằm xuống tại đất này vĩnh viễn. Thio cũng có một nhà thờ do những người Chân Đăng đóng góp xây dựng nên.

Đường lên khu mỏ Tiebaghi, xưa kia có một làng Việt Nam, khi ngang vùng Voh quí vị có thể thấy mộ phần của một số người Việt qua đời ở nơi này.

Nhưng vẫn còn đôi ba cụ ông cụ bà Chân Đăng, tuổi hạc đã cao mà vẫn tráng kiện. Bà Marie Favan, nhủ danh Nguyễn Thị Sen, 84 tuổi, cùng con dâu kể lại những thăng trầm của cuộc sống lưu lạc:

Thanh Trúc : Bà nói cho con nghe, hồi đó mới 16 tuổi mà làm sao biết đường mà đi qua đây?
Bà Marie Favan : Bấy giờ nghe mộ phu thì chị em rũ nhau đi ấy mà. Trốn bố mẹ đi ấy mà.
Thanh Trúc : Qua bên này rồi mới gặp cụ ông?
Bà Marie Favan : Không. Không. Mình lấy nhau ngay ở Hải Phòng. Ở 3 tháng mà.
Thanh Trúc : Con hỏi bà nhé. Cái lúc mình chân ướt chân ráo qua bên này hồi đó có buồn không?
Bà Marie Favan : Có buồn chứ. Chỉ muốn về ngay thôi. Đi làm phu mỏ, nó đánh đập mình ấy. Lại không biết tiếng Tây nữa. Nhưng mà đàn bà nó không dám đánh. Chỉ đánh đàn ông thôi. Còn với đàn bà thì nó cứ bảo "Allez, con gái, mau lên! mau lên!". Làm ở trong chưa được một năm xong rồi ra ngoài nickel này chưa được mấy năm đã có đảo chính.
Thanh Trúc : Bà bảo là ai đảo chánh vậy?
Bà Marie Favan : Đảo chính ở đây, tụi Tây nó không thích Việt Nam, nó đuổi việc về ấy mà. Nó cứ viết ở ngoài đường là "Viet, Partez!" (Việt, chúng mày đi đi). Có một ít người Việt hồi hương. Họ quay về Bắc. Tại vì chuyện Điện Biên Phủ. Tụi Pháp nó thua trận Điện Biên Phủ, nó tức nên nó đuổi người Việt về.
Thanh Trúc : Năm 1961 có chuyến tàu về đầu tiên.
Bà Marie Favan : Đầu tiên, sau đó có chuyến nữa, 1962-1963.
Thanh Trúc : Cũng có người sống thọ hơn như cụ Phạm Thị Đào, năm nay 92 tuổi:
Cụ Phạm Thị Đào : Quê tôi ở Ninh Bình. 19 tuổi đưa sang đây. Có 800 người trong chuyến tôi đi nhé. Ông anh năm 1950 có tàu về thì là anh ấy về, tôi thì ở đây. Thoạt tiên sang thì làm Khu D, làm bếp, nấu cơm cho anh em đi làm. Ở Tíébaghi lấy ông này được 11 đứa con. Làm 25 năm ở Tiébaghi ấy.
Thanh Trúc : Bây giờ ở Tiébaghi còn có người Việt Nam ở không bà?
Cụ Phạm Thị Đào : Chẳng còn ai. Đi hết rồi. Nhà tôi ở khi trước thì nó phá hết rồi.
Thanh Trúc : Hay cụ Lê Văn Phiến, 94 tuổi. Quê cụ ở đâu?
Cụ Lê Văn Phiến : Tỉnh Ninh Bình.
Thanh Trúc : Có phải ông đi làm ở trên Tiébaghi không?
Cụ Lê Văn Phiến : Tôi đi làm nhiều chỗ chứ không ít.
Thanh Trúc : Lúc đó đời sống của người Chân Đăng đi làm mỏ kền ra sao ông? Kể cho con nghe đi.
Cụ Lê Văn Phiến : Chỉ có người nào lười thì mới khổ.
Thanh Trúc : Lúc mà được tự do, tức là hết 5 năm đó thì ông ra ông làm cái gì?
Cụ Lê Văn Phiến : Làm thợ nề, làm thợ mộc cũng có, cấy lúa cũng có, làm vườn cũng có. Tôi làm nhiều việc nhớ mang máng như vậy. Tôi sinh năm mille neuf cent dix (1910).
Thanh Trúc : Ông sinh năm 1910. Năm nay ông 97 tuổi rồi, thưa ông. Những người đi Chân Đăng với ông nguời nào cũng cao tuổi thế chắc lần lượt các cụn về trời hết rồi.
Cụ Lê Văn Phiến : Cũng còn mấy người.
Thanh Trúc : Cụ có bao nhiêu con cái?
Cụ Lê Văn Phiến : Mười một người con.
Thanh Trúc : Cụ bà hồi đó cũng đi Chân Đăng qua đây hả ông?
Cụ Lê Văn Phiến : Ừ.
Thanh Trúc : Lúc mình đi làm chân đăng có để dành được tiền không ông? Hay là lúc ra ngoài mình mới làm được tiền?
Cụ Lê Văn Phiến : Lúc bấy giờ như tôi thì có tiền. Tôi biết chuyện cơ cực ở nước nhà rồi, thiếu cơm ăn, đói việc làm, thì tôi phải làm. Lương của tôi tháng chỉ có 80 quan thôi, thế nhưng tôi chịu khó làm, tiền thưởng của tôi đã được bằng nửa lương rồi. Hết giờ làm thì tôi lại đi làm việc tư của tôi. Tôi có tiền. Tôi tới đây mille neuf cent trente cinq (1935). Đi tàu thuỷ thì nó cũng lâu, gần một tháng lận.
Thanh Trúc : Nghe bảo là lúc đó mà còn trẻ đi qua đây áo quần chẳng có, ăn mặc sơ sài lắm.
Cụ Lê Văn Phiến : Thì đúng vậy. Một năm nó phát cho có 2 cái quần, 2 cái áo thì làm sao mà đủ làm mỏ. Nếu mà nói ra thì các bà không cho đi.
Thanh Trúc : Ông có nhớ Việt Nam không?
Cụ Lê Văn Phiến : Trâu ta thì ăn cỏ đồng ta, về nhà ta tắm ao ta. Về nhà thì bao giờ cũng hơn. Thế nhưng mà quê mình không còn ai thì cũng chả về làm gì.

Thưa quí vị, hồi đó người Chân Đăng sang Tân Đảo làm phu mỏ theo hợp đồng năm năm. Hết hợp đồng thì hồi hương hoặc xuống thành phố làm việc. Nhiều biến cố đã xảy ra và ảnh hưởng đến đời sống êm đềm trên đảo, nhiều người trở lại miền Bắc mang theo khá nhiều của cải, nhiều người ở lại, sau này bảo lãnh cho thân nhân trở qua Nouméa.

Nhưng mà Thanh Trúc đang muốn nói với quí vị về quặng mỏ Tiebaghi ở mạn Bắc của đảo, nơi nhiều Chân Đăng làm việc và sinh con đẻ cái trên đó. Con đường lên Tiebaghi chập chùng đồi núi, càng đi càng nhớ bước chân người xưa, khi mà cuộc sống vất vả lo âu hơn bây giờ. Ông Thái, thế hệ thứ hai của Chân Đăng, vẫn còn ở Tiebaghi sau ngày mỏ đóng cửa, kể lại:
Ông Thái : Mỏ Tiébaghi đóng thì tất cả người đi tản cư, đi tìm việc. Có người ở tỉnh trước thì xuống tỉnh, còn người ở trên rừng thì ở trên rừng.

Thanh Trúc : Bây giờ làng đó có còn nhà cửa và người ở không ạ?
Ông Thái : Bây giờ không còn có gì nữa hết. Ở chỗ nào có tường bằng gạch thì còn. Còn các nắp nung bằng gỗ với tồn thì không còn gì nữa.

Đến Tiebaghi thì cảm nhận của người phương xa chắc không thấm thía bằng cảm xúc của người sinh ra và lớn lên ở nơi đó. Anh Long, theo gia đình về Bắc từ năm 15 tuổi, vừa trở qua Noumea để thăm lại Tiebaghi sau 47 năm xa cách, mô tả căn nhà anh ở với cha mẹ thời bấy giờ :

Anh Long : Đó là cái nhà tôn dài dộ khoảng tầm 100 mét, rộng độ khoảng 8 mét. Nó có những phòng 4 mét một. Nhà tôi ở 4 phòng như thế.
Thanh Trúc : Là vì đông con phải không?
Anh Long : Ở tập trung như thế nó có bắt nước, rồi có bể nước, rồi điện đóm với các thứ. Hồi tôi ở đấy có nước nóng, 9-10 tuổi. Xong đó tôi ra ngoài này học và ở trọ ngoài nầy. Còn gia đình vẫn ở trong đấy. Khi mỏ đóng, bắt đầu gia đình ra đây. Năm 1945 đã không phải là Chân Đăng nữa rồi.
Thanh Trúc : Ông cụ bà cụ sang đây năm nào ạ?
Anh Long : Năm 1937-1938 gì đó. Chính ra là phải làm 5 năm, nhưng sau 5 năm Đại Chiến Thế Giới lần thứ hai xảy ra thì trở thành công dân tự do đấy, như công dân ở đây rồi.
Thanh Trúc : Khi anh trờ vào Tiébaghi thì anh thấy thế nào?
Anh Long : Nói chung là mỏ khai thác theo hướng khác rồi, song cái khu ấy người ta vẫn giữ lại như khu di tích lịch sử. Người ta cũng bắt đầu khôi phục nhà thờ, các nhà của người dân Việt đấy. Vài ba cái nhà được giữ lại làm di tích, khu tham quan cho khách du lịch. Các xưởng, các nhà máy ngưòi ta nhặt nhạnh, ngưòi ta cũng sửa lại hết. Hồi trước bị phá nhiều. Quá khứ hồi ấy đẹp lắm.
Thanh Trúc : Anh cho là đẹp?
Anh Long : Đẹp. Vì mọi người sống với nhau quây quần mà. Mà cuộc sống không thiếu thốn cái gì. Nhớ lại thời mình cắp sách đi học, cả thời trẻ của tôi ở đấy. Làm sao sang đây mà không đến cho được.

Đó là câu chuyện thứ ba về Tân Đảo, về New Caledonia, đã và đang dung chứa người Việt từ thưở xưa cho đến giờ là thế hệ thứ năm. Những ngày ở Nouméa cùng lúc người ta thấy mình vui cười với hiện tại và ngậm ngùi cùng quá khứ.
Đã đến lúc phải từ giã vùng đảo thân thiết này, thân thiết vì có bao nhiêu thế hệ Việt ở đây, bao nhiêu linh hồn ông bà Chân Đăng an nghĩ chốn này.

Nouméa ngày Thanh Trúc đến ngập nắng vàng, ngày đi mưa bay nghiêng một khung trời. Dọc bờ biển Nouméa có một kè đá mang tên Rocher A La Voile. Thanh Trúc nghe kể là ngày xưa, khi tàu chở người hồi hương chạy ngang Rocher A la Voile, người ở lại ra đứng trên bờ để ngóng theo, vẫy tay tiễn biệt lần cuối.

Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi tạm kết thúc ở đây, Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

© 2007 Radio Free Asia

Aucun commentaire: