INTRODUCTION

22.7.07

Theo dấu người chân Đăng (2)

L'histoire des V.K. de Nouvelle-Calédonie et du Vanuatu se médiatise de plus en plus au Vietnam. Cela prouve le bien-fondé de mes blogs (malheureusement francophones) même si ces derniers ne sont visités que par deux ou trois égarés ^^. Par contre il faudra bien un jour qu'il y est une synergie entre les V.K. des trois pays pour éviter d'avoir trois versions de la même Histoire.

Ngày giờ cập nhật: 20.07.2007 - 8:17
Lời tạ lỗi muộn màng với bạn bè Tân Đảo

Thế hệ việt kiều thứ nhất ở Tân Đảo còn lại rất hãn hữu, những ký ức về Tân Đảo chỉ còn lại trong thế hệ thứ hai nay cũng đã thất thập cổ lai hy. Nhiều chuyện nhớ, lắm chuyện quên, nhưng có một nỗi niềm mà không ít bà con kiều bào đang sống ở Việt Nam vẫn nhớ như in là những cảm xúc khi quy cố hương

Sau hơn 40 năm không có điều kiện liên lạc hay quay trở lại nơi đã sinh ra và lớn lên, không ít những việt kiều Tân Đảo thuộc thế hệ thứ hai vẫn còn mang những ký ức với những người bạn xưa trong ngày tiễn đưa bùi ngùi ấy.

Nước mắt tiễn biệt

Họ kể, ngày ấy các bạn quá bất ngờ khi lên đường hồi hương, nhớ mãi không quên những giọt nước mắt tiễn đưa của các bạn, “những người bạn gắn kết tuổi thơ chúng tôi” từ khi lọt lòng, lớn lên học cùng trường, chơi cùng sân, sống cùng xóm. “Chúng tôi và các bạn không có chuyện phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo… đơn thuần chỉ là những người bạn thân thiết, bạn nối khố”. Vậy mà trong ngày chia tay lịch sử ấy, các bạn là những người rơi nước mắt trước, bởi chưa biết khi nào chúng tôi sẽ trở lại. Còn chúng tôi, vui mừng vì được trở về cố quốc, nghe theo tiếng gọi của cha anh - những vị tiền bối, đoàn tụ, hồi hương. Xuất phát từ niềm yêu thương, chúng tôi cũng khóc, những giọt nước mắt của chúng tôi trước cuộc chia ly quá đột ngột và gấp gáp.

Tự dưng các bạn thấy chúng tôi thay đổi thái độ, cả đoàn tàu đột nhiên cười nói vui vẻ, như chẳng có gì xảy ra. Điều ấy khiến các bạn ngỡ ngàng, nhưng giây phút ấy, chúng tôi biết rất ngắn ngủi, các bạn vẫn khóc trước cuộc chia ly lớn. Những thắc mắc của các bạn về thái độ chúng tôi, hơn 40 năm vẫn chưa lời giải đáp. Chúng tôi nợ các bạn một giọt nước mắt đồng cảm, nợ các bạn một lời giải thích, nợ các bạn một tình cảm quá chân thành mà các bạn dành cho chúng tôi. “Nhưng vận nước lúc ấy khiến chúng tôi không thể nhỏ lệ được”. Ngay cuộc chia ly, phía thù địch ở miền Nam Việt Nam cũng có những người chứng kiến, nếu nhỏ lệ, những hình ảnh đưa lên sẽ gán ghép khiên cưỡng rằng chúng tôi bị ép buộc trở về miền Bắc. Chính vậy, chúng tôi phải lộ vẻ vui mừng, dù trong lòng đau như cắt trước cuộc chia xa.

Bạn bè năm ấy, người còn người mất, qua thời gian cuộc chia ly đã lùi dần trong trí nhớ. Nhưng khi khơi gợi lại, chắc các bạn không hiểu vì sao những bạn thân thương ngày nào, lại hờ hững đến vô cảm trước lúc phân ly (?). “Xin chân thành gửi đến các bạn một lời giải thích, một lời tạ lỗi muộn màng cho buổi chia ly đầy nước mắt đó đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động và áy náy suốt 45 năm qua”.

Việt kiều tô điểm thêm cho một “Thiên đàng hạ giới”

Đến hôm nay, đã qua nhiều thế hệ, những người Việt còn lại ở Tân Đảo xa xôi đã gặt hái thành công trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mặt kinh tế. Từ con trai của một người nô lệ khai thác hầm mỏ nickel năm xưa, ông André Dang (Đặng Văn Nha) nay đã là chủ tịch tập đoàn khai thác quặng nickel lớn, ông Bảy Thất – một nhà thầu xây dựng – rất thành công ở Tân Đảo… Thế hệ nối tiếp thế hệ những người Việt ở Tân Đảo đã trải qua bao gian khổ và đóng góp không ít công sức làm đẹp thêm một địa danh vốn được coi là “thiên đàng hạ giới” với những miền biển xanh cát trắng trải dài, với những rạn san hô cùng các loài thuỷ hải sản phong phú.

Khi những cuộc ra đi hồi hương của bà con kiều bào đột ngột diễn ra, bỏ lại ở Vanuatu nhiều xóm nhà Việt vắng bóng người. Đến nay, một số những ngôi nhà ấy vẫn tồn tại sau thời gian dài vắng chủ. Nhiều căn nhà vẫn còn nguyên trạng như cách đây hơn 40 năm. Cô Vũ Thị Nhàn – việt kiều Tân Đảo đang sinh sống ở Tuyên Quang khấp khởi: “Từ khi về Việt Nam, do đời sống khó khăn nên chẳng có tin tức gì về xứ người, là nơi chôn nhau cắt rốn của mình cả. Gần đây mới liên lạc được anh em kiều bào bên ấy trở về, chúng tôi mừng lắm vì gặp lại những người thân từng sống và lớn lên với chúng tôi ở Tân Đảo”. Năm rồi gia đình anh Đại chị Khánh ở Vanuatu về thăm Tuyên Quang, kể: “những mái nhà của cụ thân sinh ra tôi từ khi theo những chuyến tàu hồi hương đến nay vẫn còn nguyên trạng. Tôi nghe thế trong lòng cảm xúc khó tả, hơn 20 năm tôi đã sống và gắn bó với ngôi nhà ấy, khi nghe nó vẫn tồn tại, mọi chuyện quá khứ bỗng ùa về, nghe như mới ngày hôm qua”.


Giờ, tính đến chuyện làm ăn

Người Việt ở Tân Đảo cũng luôn gây được thiện cảm và ấn tượng đẹp với cư dân bản địa, góp phần làm phong phú hơn về lĩnh vực ẩm thực, món ngon dân dã. Từ xa xưa, những phu mỏ mỗi vùng miền khi đến Tân Đảo mang theo những món ăn dân dã nơi quê nhà. Chế biến phục vụ kiều bào, sau đến những anh em bản xứ và khách lạ cũng tìm đến thưởng thức. Và những món ăn Việt được tán thưởng, tiếng vang xa. Những món dân dã như nem cuốn, phở, bánh chưng gói lá chuối (vì bên ấy không có lá dong), chả giò… luôn được người Pháp và dân bản địa thích dùng. Càng về sau, chuyện đi lại giữa hai nước thông thoáng, điều kiện thuận lợi, mối liên kết giữa kiều bào Tân Đảo và quê hương khăng khít hơn, nhiều gia đình việt kiều về thăm quê, cũng tìm học thêm những món ngon đem sang Tân Đảo. Gia đình anh Nguyễn Văn Đại – kiều bào ở Vanuatu mới đây trở về Việt Nam tìm món ngon ở Hải Dương, học nghề bánh đa và làm bán ở Tân Đảo hiện khá đắt khách.


Cuộc sống nay đã ổn định, kinh tế ngày càng phát triển, kiều bào Tân Đảo – Tân Thế Giới thế hệ thứ hai nhiều người đã may mắn được quay trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình gặp lại bạn bè cũ, và chỉ là để ôn cố tri tân. Nhưng còn nhiều người có nguyện vọng tương tự nhưng không được chính quyền sở tại đáp ứng – không được cấp visa mà không rõ vì lý do gì. Mong muốn của bà con kiều bào, trong tương lai, chuyện đi lại giữa hai nước dễ dàng hơn, để có thể tăng cường các mối quan hệ, làm ăn kinh tế phát triển.

Lam Phong
sgtt.com.vn


Aucun commentaire: