INTRODUCTION

20.7.07

Theo dấu người chân đăng

Un article trouvé dans Sai Gon Tiep Online :

Hướng về cố quốc

Tiếng là dân phu phen ít trình độ học vấn, nhưng họ cũng đã sáng tác được một bản quốc ca “tạm thời” để hát mừng đất nước độc lập. Cùng với những cuộc quyên góp gửi tiền về quê nhà ủng hộ cuộc kháng chiến
Thế hệ thứ nhất là “nhà giáo” môn lịch sử nước nhà


Một chi tiết khá thú vị khi lần tìm trong ký ức những người phu mỏ ở Tân Đảo là khi các cụ hay tin nước nhà độc lập (1945), nhưng do xa xôi cách trở, bài quốc ca như hiện nay chưa kịp đến với kiều bào Tân Đảo và Tân Thế Giới, chính các cụ đã tự sáng tác bài “quốc ca”, truyền dạy cho thế hệ thứ hai hát vang trong những đợt đấu tranh đòi quyền được trở về nước năm 1945.

Các cụ Việt kiều phu mỏ thuộc thế hệ thứ nhất đa phần đều ít học nhưng tham gia những cuộc đấu tranh vì tinh thần yêu nước cao độ. Các cụ đã không quản ngại việc gì, cứ nghe đi đấu tranh là hăng hái lên đường, hạ cờ Pháp, treo cờ đỏ sao vàng và nhất định không chịu nhượng bộ khi treo chung hai lá cờ. Vụ việc này gây ra những xung đột và mâu thuẫn khá lớn giữa những người phu mỏ với chính quyền bản địa, gây ra những cuộc đàn áp nặng tay với kiều bào.

Có thế thấy ở thế hệ thứ nhất những phu mỏ Tân Đảo một tinh thần yêu nước hết mình. Nghe theo lời kêu gọi trở về là về. Các cụ vận động con cháu hồi hương với khẩu khí: “Nước nhà độc lập rồi, chỉ cần về cùng chung xây đất nước, không cần mang của cải gì, trên người độc cái quần tà lỏn cũng về. Về mà còn quyến luyến gia sản, của cải, mang những thứ ấy đi khác chi chở củi về rừng, vì nước nhà đã độc lập, dân chúng tự do, đời sống ắt sẽ khá lên”.

Ở Tân Đảo, những phu mỏ hết hạn hợp đồng ra sinh sống bên ngoài cũng chung tay xây dựng cộng đồng việt kiều phát triển như lập trường học, dạy chữ quốc ngữ, tổ chức các ngày tết nguyên đán, ngày quốc khánh 2.9, ngày 19.8, ngày thương binh liệt sĩ 27.7… Trong những ngày này, người Việt ở Tân Đảo và Tân Thế Giới tập hợp lại tại hội quán, ăn uống vui vẻ suốt ngày. Bác Phạm Bình Tuấn – thế hệ thứ 2 ở Tân Đảo kể lại những tháng ngày sôi động ấy: “Lứa chúng tôi sinh ra và lớn lên, chẳng hiểu gì về tổ quốc, về Việt Nam, nhưng nhờ được các cụ giáo dục, dạy nề nếp gia phong, dạy cách cư xử theo văn hoá Việt, dạy cho chúng tôi biết hướng lòng về quê cha đất tổ. Thông qua những lần hội ngộ, gặp gỡ bà con kiều bào, nhờ đó mà lòng yêu nước được hun đúc trong thế hệ chúng tôi”.

Chuyển lửa về quê nhà
Bác Nguyễn Văn Ngân – Việt kiều Tân Đảo hiện đang sống tại Hà Nội kể: “Năm 1945 giành độc lập, sang 1946 Pháp lăm le quay lại xâm chiếm nước ta, cả nước theo lời Bác thực hiện “tuần lễ vàng” đóng góp cho kháng chiến. Anh em kiều bào Tân Đảo hay tin, cũng thực hiện cuộc quyên góp, và số tiền thu được là 1.672.165 quan, chưa biết cách gửi về nước như thế nào và ai sẽ là người đứng ra nhận. Ngay lúc ấy hay tin Bác Hồ đang họp hội nghị ở Pháp, anh em việt kiều gửi một bức điện cho cụ Hồ, đại ý nói có một số tiền kiều bào đóng góp muốn gửi về nước nhà, Bác có đứng ra nhận được không? Ngay sau đó chúng tôi nhận được hồi âm bày tỏ sự đồng ý của Bác. Chúng tôi chuyển toàn bộ số tiền ấy về quê nhà (biên lai gửi tiền hiện lưu giữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh), và không lâu sau nhận được bức điện của Bác, đại ý đã nhận được tiền và gửi lời thăm hỏi, cảm ơn đến kiều bào Tân Đảo. Từ đó về sau, những số tiền khác lần lượt được chuyển về quê hương, người gửi là ông Nguyễn Đức Thận – người đại diện cho bà con việt kiều Tân Đảo, đã hồi hương và mất ở Đà Lạt. Địa chỉ người gửi tiền là tiệm chụp hình Cả Lê (Cale Photo, Nouméa) của cụ Lê Hữu Chí”.

Cũng trong đợt quyên góp tiền chuyến đầu tiên hưởng ứng “tuần lễ vàng”, cụ Lê Hữu Chí vẫn còn nhớ chuyện bác thợ may nổi tiếng Tân Đảo Trần Văn Doanh đã may một chiếc áo lụa dành gửi tặng Cụ Hồ, nhưng do xa xôi, tàu bè qua lại giữa hai nước hãn hữu nên không gửi về được. Bác Doanh đem bán đấu giá chiếc áo ấy cho bà con kiều bào, và mức giá được đẩy lên cao nhất là 80.000 quan tiền, tương đương 8.000 tiền Đông dương. Số tiền kỷ lục của một chiếc áo thời ấy, bởi lương phu mỏ một tháng có 100 quan tiền (10 đồng Đông Dương).

Người đi phu đóng góp ngoại tệ nhiều nhất cho quê nhà

Theo bước thế hệ đầu với lòng yêu nước nồng nàn, thế hệ thứ hai như bác Nguyễn Trọng Yên nay ở Tuyên Quang, bác Đinh Văn Tân ở mỏ than Quang Triều, Bắc Thái… nay cả hai đã là những ông cụ thất thập. Bác Yên nhớ lại: “Chúng tôi chẳng biết tổ quốc là gì, nhưng được các cụ giáo dục, dám đứng ra viết khẩu hiệu: Đả đảo đế quốc Mỹ, căm thù Phú lợi…”.

Cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có nói về những đóng góp cho quê hương của người Việt ở Nouvelle Calédonie (Tân Thế Giới) và Nouvelles Hébrides (Tân Đảo – 1980 là Vanuatu) trên báo tuổi trẻ số 3, ra ngày 19.1.1992: “Cộng đồng người Việt ở bên Tân Đảo rất ít, không thể so sánh với số lượng ở Mỹ, Pháp, Úc, Canada. Nhưng từ 1945 – 1960, trước khi đa số trở về nước thì cộng đồng việt kiều Tân Đảo là một đoàn thể đóng góp tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp và công cuộc xây dựng lại miền Bắc sau chiến tranh. Một hình thức đóng góp của bà con việt kiều thời ấy là gửi tiền về cho quỹ kháng chiến, đây là một đóng góp có ý nghĩa vì kháng chiến thời ấy rất thiếu ngoại tệ, và anh chị em bên ấy không phải là những nhà buôn lớn hay trí thức lương cao, mà hầu hết là công nhân lương thấp. Nếu tính theo đầu người thì việt kiều Calédonie đã đóng góp nhiều tiền nhất cho quỹ kháng chiến chống Pháp và kiến thiết lại miền Bắc trước 1960. Tôi biết được chuyện này vì chính tay tôi đã nhiều lần chuyển về trong nước những khoản tiền của kiều bào bên ấy gửi về…”.

Lam Phong
Source : sgtt.com.vn

Aucun commentaire: